Nằm dọc tuyến sông An Cựu, một nhánh sông của sông Hương, phường An Cựu được xem là một trong những vùng thấp trũng, xung yếu nhất của TP Huế.
Nghe tin bão số 11 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn, trong đêm 14/10, Thiếu tướng Mai Văn Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế đã về phường An Cựu, trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an giúp dân di dời tránh trú bão.
Đôi mắt thâm quầng sau một ngày đêm túc trực cùng cán bộ, chiến sĩ giúp người dân đi trú bão, Trung tá Lê Quang Trúc, Trưởng Công an phường An Cựu bày tỏ: “Ngay sau khi nhận được lệnh từ chỉ huy, chúng tôi đã huy động 100% lực lượng, kết hợp với Công an TP Huế cùng dân quân tự vệ đã nhanh chóng di dời 189 hộ dân, 750 khẩu ở tổ 21, khu vực 4 của phường đến nơi trú bão an toàn. Phần lớn các hộ dân ở đây đều là dân tứ xứ, sống bằng các nghề lao động chân tay; hoàn cảnh nghèo khó nên nhà cửa đều được xây dựng tạm bợ. Nếu không kịp thời di dời bà con đi tránh bão ắt hậu họa khó lường…”.
|
Các cán bộ, chiến sĩ Công an phường An Cựu đưa người già trên địa bàn phường đi tránh trú bão số 11.
|
Nghèo khó, các con lại đi làm ăn biền biệt nên bà Võ Thị Lê (57 tuổi, trú khu vực 4, phường An Cựu) lấy nghề nhặt ve chai để mưu sinh và nuôi 4 đứa cháu nội. Vừa trở về từ nơi trú bão, chỉ tay lên mái nhà đã bị gió tốc, bà Lê ái ngại tâm sự: “Tối hôm đó mưa gió to quá, tưởng chừng căn nhà tạm ni sẽ sập, nhưng may mấy chú Công an đến đưa mấy bà cháu tui lên nhà thi đấu của Khoa Thể chất, Đại học Huế, để trú bão, chứ không thì giờ…”.
Thiếu úy trẻ Trần Hữu Minh, Cảnh sát khu vực 4, chia sẻ: “Dù đêm tối có gió mạnh và mưa lớn nhưng vì lo lắng bà con gặp nạn nên tất cả anh em đều quyết tâm di dời bà con đến nơi an toàn. Ngay trong đêm tối gió bão, chúng tôi đã đưa được 90 trẻ em; 70 người già và phụ nữ cùng nhiều sinh viên đến nơi an toàn…”.
Theo Trung tá Trúc, mỗi lần có mưa lớn, nước sông Hương dâng cao đổ về nhánh sông An Cựu thì các tuyến đường Hải Triều; Phan Chu Trinh thuộc địa bàn phường đều bị ngập nặng. Nhiều nhà dân ở đường Hải Triều bị nước ngập sâu từ 0,3m-0,8m… Vì thế mà công tác phòng chống bão lũ, giúp người dân di dời tài sản và khắc phục hậu quả sau bão cũng luôn được đơn vị chú trọng.
Tại các xã tuyến biển huyện Phú Vang, trước khi bão số 11 sắp đổ bộ vào bờ, Công an huyện Phú Vang cũng huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ về địa bàn này phối hợp với lực lượng Công xã để tổ chức di dời trên 1.000 hộ dân, với 3.800 nhân khẩu đến nơi trú bão an toàn.
|
Lực lượng Công an lợp lại nhà cho bà con bị bão làm tốc mái.
|
“Do đặc thù vùng ven biển nên mỗi khi có tin bão, Công an huyện đã nỗ lực, tích cực thực hiện phương châm “5 tại chỗ” vận động, di dời bà con ngư dân tránh bão; đồng thời còn làm tốt công tác kêu gọi, giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn”, Thượng tá Huỳnh Công Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Phú Vang cho hay.
Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận bày tỏ nỗi lòng, những năm vừa qua, cuộc sống của người dân trên địa bàn đã khấm khá nhờ việc bám biển, bám ngư trường để đánh bắt hải sản. Thế nên, mỗi lần có bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn, neo đậu tàu thuyền và giúp người dân đi trú bão luôn được thực hiện tốt, tất cả là nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cán bộ, chiến sĩ Công an. Và nhờ thế mới thấy hết nghĩa tình của lực lượng Công an dành cho bà con ngư dân là như thế nào…